Khi đi du lịch với những tour phải di chuyển nhiều như đi bộ đường dài hoặc leo núi sẽ đem lại nhiều trải nghiệm và những điều thú vị cho chúng ta. Song hành trình đó cũng sẽ khiến đôi chân mỏi mệt, dễ khiến bàn chân phồng rộp. Dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng ít nhiều tới chuyến đi của bạn. Để hạn chế tối đa tình trạng này, hãy tham khảo những kinh nghiệm dưới đây để bảo vệ đôi chân của bạn trong suốt hành trình.
Mục Lục
Chọn đúng giày, đúng size
Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc bảo đảm an toàn cho đôi chân của bạn. Nếu chạy bộ, hãy chọn một đôi giày ôm chân vừa đủ. Nếu đi bộ đường dài, hãy chọn đôi giày rộng hơn nửa size để tránh phồng rộp gót và cổ chân. Nếu là tour trekking, hãy thử với một đôi tất len dày. Sau đó chọn giày lớn hơn 1 – 1,5 size so với cỡ chân của bạn. Bởi khi leo núi, chân sẽ liên tục bị dồn về trước hoặc sau và có xu hướng nở ra. Vì thế, chọn giày cỡ rộng hơn là cách để tránh bị phồng rộp chân.
Đi thử giày mới trước vài ngày
Khi đã chọn đúng cỡ, bạn cần làm quen với giày mới trước từ vài ngày đến vài tuần. Nhằm để chân được quen với cỡ giày, đồng thời các chất liệu bên trong. Và phần đế cũng trở nên mềm mại, dễ đi hơn. Việc đi thử trước còn giúp bạn biết được ưu, nhược điểm của đôi giày. Nếu không phù hợp, bạn vẫn có thể thay đôi khác.
Chọn tất phù hợp
Hãy tránh xa những đôi tất cotton bởi chất liệu này có tác dụng giữ ẩm. Nó khiến sự cọ xát giữa da chân với giày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó gây nên hiện tượng phồng rộp. Hãy lựa chọn loại tất có chất liệu mịn hoặc được dệt từ len dày, mũi may chìm để bảo vệ đôi chân. Nếu bạn dễ bị phồng rộp ở ngón chân, hãy dùng loại tất xỏ ngón.
Dưỡng ẩm da bàn chân
Da khô sẽ khiến ma sát lớn hơn, do đó bạn có thể dùng các loại kem phù hợp vào trực tiếp vào các phần dễ bị rộp. Điều này giúp duy trì độ ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ da.
Băng những vùng dễ bị rộp trước khi đi bộ đường dài
Bạn có thể sử dụng băng dán quanh các ngón chân hoặc vùng có nguy cơ bị rộp. Đây là cách đơn giản mà ai cũng tự làm được. Bạn có thể sử dụng các loại miếng dán y tế hay băng dán y tế.
Giảm cọ xát giữa chân và giày
Hãy sử dụng miếng lót giày hoặc chà một ít xà phòng bánh lên trên nhằm hạn chế sự cọ xát giữa chân và giày. Bạn cũng có thể phủ một lớp phấn rôm bên ngoài tất để giảm ma sát. Đồng thời tăng khả năng thấm hút nước và mồ hôi. Bởi một trong những nguyên nhân gây phồng rộp còn do giày bị nóng, ẩm. Nếu tất của bạn bị ướt, hãy thay ngay khi có thể.
Cách xử lý vết phồng rộp
Da bị phồng rộp nếu không được giữ gìn đúng cách sẽ rất dễ nhiễm trùng. Bạn có thể chữa bằng cách sau: Làm sạch vết phồng rộp với xà phòng và nước hoặc cồn. Sau đó, sát trùng một cây kim hoặc mũi dao rồi chích vào vết rộp, ép cho chất lỏng bên trong chảy ra. Lưu ý, không khử trùng kim bằng lửa vì các hạt carbon có thể xâm nhập vào da gây kích ứng vết thương.Cuối cùng, thoa kháng sinh lên bề mặt và băng lại. Sau vài ngày, vết thương sẽ khô và tự khỏi. Bạn có thể tháo băng định kỳ và ngâm chân trong muối Epsom để hút dịch ra ngoài. Sau khi ngâm, lau khô da thật kỹ và băng lại. Nên giữ băng cho đến khi da săn chắc trở lại.
Mong rằng với những chia sẻ về việc bị phồng chân khi du lịch đi bộ đường dài đã mang lại những thông tin hữu ích cho bạn. Cùng áp dụng những cách phòng tránh và chữa trị để bàn chân của bạn thoải mái khi chinh phục những chặng đường phía trước.