Trong thời buổi hiện nay thì bệnh ghẻ ở trẻ em không còn quá phổ biến. Tuy nhiên ở khu vực nông thôn hay vùng núi thì bệnh ghẻ vẫn còn xuất hiện, lây lan khá nhiều cả trong gia đình lẫn cộng đồng. Các bác sĩ cũng nhận định trẻ em là đối tượng bị ghẻ nhiều nhất, đặc biệt với các bé còn nhỏ và học ở cấp mầm non. Vậy bệnh ghẻ ở trẻ em sẽ có những biểu hiện đặc trưng nào? Cách phòng ngừa hiệu quả ra sao? Các bậc phụ huynh hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua chia sẻ tổng hợp sau đây nhé.
Mục Lục
Dấu hiệu nhận biết bệnh ghẻ ở trẻ em
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng gây nên và thường mắc phải khi có thói quen ở bẩn, không vệ sinh thường xuyên. Bệnh dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong gia đình với nhau nếu không được điều trị đúng cách. Biểu hiện ban đầu chỉ là những mụn nước li ti xuất hiện ở các vị trí như:
– Lòng bàn tay, kẽ ngón tay
– Vùng nách
– Cổ tay, khuỷu tay và khoeo chân
– Bụng, rốn, mặt trong đùi, mông
– Vùng sinh dục
– Ngón chân, kẽ ngón chân và lòng bàn chân. Sau đó khoảng 1 tuần ghẻ sẽ lan ra toàn thân gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ chủ yếu về ban đêm.
Bệnh ghẻ lây lan do việc tiếp xúc gần gũi giữa người bị bệnh với người tiếp xúc. Bệnh cũng có thể lây do dùng chung quần áo, khăn tắm, ga chăn giường, và tiếp xúc da trực tiếp.
Cách chữa trị khi trẻ bị bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ ở trẻ em cần được điều trị sớm để tránh lây nhiễm ra cộng đồng, đặc biệt cần điều trị đồng thời cả người chăm sóc (cha, mẹ, ông bà…).
Thuốc thường chọn để điều trị cái ghẻ ở hầu hết bệnh nhân là Benzoate benzyl 10%. Một số bác sĩ sẽ cho thoa khắp người trừ mặt và đầu. Bé sẽ được thoa 1 lần duy nhất, để trong 24 giờ sau tắm và thay quần áo. Hoặc thoa 2 lần cách nhau 24 giờ, thuốc hiệu quả 90 – 95%. Hoặc bác sĩ sẽ dùng Elenotol scabecid (tên thương mại là lindane). Thuốc được thoa một lần duy nhất, để 12 giờ rồi tắm. Ngoài ra trẻ cần được thực hiện tốt những vấn đề sau đây:
– Vệ sinh da nhẹ nhàng và tắm cho trẻ hàng ngày giúp đẩy lùi vi khuẩn gây bệnh và giảm ngứa ngáy cho trẻ (không sử dụng xà phòng để tắm cho trẻ).
– Giặt quần áo, chăn, màn, chiếu, ga giường, gối, đồ chơi… bằng nước đun sôi, phơi dưới ánh nắng mặt trời và là nóng trước khi mặc quần áo hay sử dụng.
– Cách ly trẻ bị bệnh, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.
– Cho trẻ uống nước hoa quả, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng và bổ sung dưỡng chất tăng sức đề kháng.
– Cha mẹ hoặc người thân cần vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh ghẻ ở trẻ em
– Phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trẻ đang mắc bệnh thì không ngủ chung với trẻ khác. Bé bị bệnh cũng không được dùng chung quần, áo, chăn màn với mọi người.
– Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày với xà phòng.
– Nếu trong gia đình hay tập thể có người bị bệnh, cần điều trị dứt điểm để tránh lây lan.
Bệnh ghẻ là một bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp; điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết các dấu hiệu bệnh ghẻ sớm và không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp. Vì vậy, khi trẻ có các biểu hiện trên cha mẹ cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.