Một trong số những vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu đó là việc con em của mình bị tiêu chảy. Tình trạng này rất dễ xảy ra nếu như các bé ăn uống không hợp vệ sinh hoặc nguồn thức ăn bị nhiễm khuẩn. Cũng theo một báo cáo mới nhất, hàng năm trên thế giới ghi nhận đến 1,5 tỷ trẻ em bị tiêu chảy, trong đó có đến 4 triệu trẻ tử vong vì không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách. Nói như vậy để chúng ta hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ dễ bị tiêu chảy? Cách phòng tránh hiệu quả là gì? Câu trả lời có ngay sau đây các bạn hãy cùng theo dõi chi tiết nhé.
Mục Lục
Tiêu chảy là bệnh gì?
Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày (Theo Bộ Y tế). Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết: Bệnh tiêu chảy chiếm 1 trong 9 trường hợp trẻ em tử vong trên toàn thế giới, khiến bệnh tiêu chảy trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở trẻ dưới 5 tuổi.
Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp (như vi khuẩn, virus) thường gây bệnh qua đường phân – miệng. Phân của bé bị tiêu chảy có thể nhiễm bẩn cho thức ăn, nước uống. Hoặc có ở tay trẻ hoặc đồ chơi thường ngày của trẻ vẫn chơi. Khi ăn uống hay tiếp xúc trực tiếp với những nguồn lây, trẻ sẽ bị lây bệnh tiêu chảy. Một số yếu tố sau đây có thể dẫn tới tiêu chảy ở trẻ:
– Không vệ sinh tay trẻ và tay người chăm sóc trẻ sạch sẽ
– Thực phẩm cho trẻ ăn không đảm bảo vệ sinh
– Nguồn nước dùng bị ô nhiễm
– Trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, nhất là phòng Rota virus
– Do vậy, phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp thông qua đường ăn uống rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ.
Hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Rửa tay sạch sẽ bằng dung dịch diệt khuẩn
Rửa tay sạch bằng xà phòng là một biện pháp hữu hiệu mà lại vô cùng đơn giản, giúp phòng bệnh tiêu chảy cấp. Không chỉ rửa tay sạch cho trẻ mà các bậc phụ huynh cũng cần có thói quen này. Nhất là khi là người trực tiếp chăm sóc trẻ và cho trẻ ăn.
– Các thời điểm cần rửa tay cho trẻ để giữ gìn vệ sinh đó là: Sau khi trẻ đi vệ sinh xong, trước khi trẻ ăn.
– Các thời điểm cha mẹ cần rửa tay khi chăm sóc trẻ bao gồm: Sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ đi ngoài, trước khi làm thức ăn cho trẻ, trước khi cho trẻ ăn
Một lưu ý là đồ chơi của trẻ cũng có thể nhiễm bẩn tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Khi trẻ chơi đồ chơi rồi đưa tay lên miệng, vô tình vi khuẩn đã xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ. Do vậy cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ sạch sẽ để loại bỏ con đường gây bệnh này. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần giữ gìn sạch sẽ nhà vệ sinh. Không nên phóng uế bừa bãi vì làm ô nhiễm môi trường, nhất là làm bẩn nguồn nước, lây lan bệnh tạo thành dịch.
Đảm bảo trẻ được ăn chín uống sôi
– Bạn không được cho trẻ ăn thức ăn tái hoặc còn sống. Bạn cũng không được cho trẻ uống nước lã. Đây là những nguyên tắc tối thiểu giúp phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ; nhất là phòng bệnh tiêu chảy trong mùa hè.
– Khi chế biến hoặc dọn bàn ăn bạn cần che đậy cẩn thận để tránh ruồi nhặng. Vi khuẩn gây bệnh bám vào chân ruồi sẽ nhiễm vào thức ăn khi ruồi bu vào thức ăn. Vì thế, không nên cho trẻ ăn thức ăn đã để nguội lạnh hay nhiễm bẩn.
– Bạn cũng nên sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn và vệ sinh cho trẻ. Lý do vì tiêu chảy cấp do vi khuẩn và vật ký sinh trong thức ăn và nước uống gây ra. Chúng thường xuất hiện ở nguồn nước không hợp vệ sinh hay bị ô nhiễm.
– Khi chọn mua thực phẩm để chế biến cho trẻ, cần chọn thực phẩm tươi ngon, không bị hư hỏng biến chất. Vừa là cách giúp trẻ có bữa ăn ngon miệng giàu dinh dưỡng, mà không làm ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Đôi khi cuộc sống bận rộn nên cha mẹ không có đủ thời gian để chuẩn bị cho trẻ những đồ ăn tươi mới. Do vậy bảo quản thức ăn trong tủ lạnh để sử dụng dần cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, cha mẹ cần kiểm tra xem thức ăn có còn sử dụng được không? Có bị ôi thiu, biến chất hay có nấm mốc phát triển hay không? Nếu có cần vứt bỏ ngay, không nên cho trẻ sử dụng những thực phẩm này.
Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ
Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài sau đó có tỷ lệ mắc tiêu chảy thấp hơn hẳn những trẻ không bú mẹ. Bú mẹ trực tiếp đảm bảo vệ sinh và còn rẻ tiền. Hơn nữa sữa mẹ có chứa kháng thể tốt cho hệ miễn dịch trẻ. Trẻ không bị dị ứng hay không dung nạp như đối với dùng sữa công thức. Do vậy nuôi con bằng sữa mẹ giúp phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ.
Bình và ti giả nếu làm sạch không đúng cách sau khi sử dụng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu trẻ đang bú bình cần rửa sạch bình sữa, núm vú rồi sau đó luộc bình trong nước sôi khoảng 15 phút cho tiệt trùng.
Bên cạnh đó khi trẻ bị tiêu chảy, bạn hãy tạm dừng cho trẻ dùng sữa công thức. Lý do là vì khi bị tiêu chảy, men lactase trong ruột – một loại men có tác dụng tiêu hóa và hấp thụ đường lactose bị suy giảm. Trong khi đó, lactose lại là loại đường có trong hầu hết các loại sữa công thức. Khi đường lactose không được tiêu hóa, nó sẽ chuyển thành acid lactic gây tiêu chảy.
Như vậy, lúc trẻ gặp phải tình trạng đi ngoài nhiều lần và liên tục mà chưa rõ nguyên nhân, cha mẹ hãy tạm thời đừng cho trẻ uống sữa trong vòng 24h đầu tiên, sau đó mới cho trẻ uống lại. Bởi cũng có thể, sữa chính là một trong những tác nhân gây tiêu chảy cho trẻ trong trường hợp này.
Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ
Rotavirus và sởi là các nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy do Rotavirus rất hay gặp ở trẻ nhỏ và có thể có những biến chứng nguy hiểm. Tiêm phòng vacxin là biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy chủ động cho trẻ. Làm giảm thiểu những kết cục xấu do tiêu chảy gây ra.
Bên cạnh đó bạn không được cho trẻ uống kháng sinh một cách bừa bãi và lạm dụng. Không ít các bậc phụ huynh còn tự do sử dụng kháng sinh cho con em mình khi thấy con bị ốm. Mà không qua sự kê đơn hoặc thăm khám của bác sỹ. Sử dụng kháng sinh một cách không thích hợp có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Do kháng sinh làm loạn khuẩn đường ruột của trẻ khiến bé bị tiêu chảy. Vì thế trước khi sử dụng kháng sinh cho trẻ, cha mẹ cần thận trọng và cân nhắc kỹ càng.
Như vậy mỗi cha mẹ phụ huynh nên ý thức được việc phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp cho con em mình. Chúc các bé luôn hạnh phúc, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.