Thương cho roi cho vọt. Đó là là câu nói và hành động dạy con đúng của ông bà ta. Trẻ con làm sai phải dạy dỗ chứ không thể nuông chiều sẽ càng thêm hư. Việc đánh con để cho con nên người là việc bất đắc dĩ mà các bậc cha mẹ phải làm. Tuy nhiên hiệu quả nó mang lại là rất tốt. Nó làm đứa trẻ ngoan và biết hành xử đúng đắn.
Có một số bậc cha mẹ vì thương con mà nuông chiều theo ý của con mình và hết sức dốc lòng giúp con làm điều sai. Trong thâm tâm họ nghĩ rằng việc đó là tốt cho con mình, nhưng hậu quả mang lại có thể cay đắng gấp nhiều lần. Trường hợp sau đây của một gia đình tại Trung Quốc đã nêu lên cho các cha mẹ một bài học đắt giá.
Mục Lục
Nuông chiều con vì thương con
Nhiều năm sau ngày mất bố, Dương Lệ Quyên không thôi ân hận vì thói si mê thần tượng của cô đã làm hại ông.
Dương Lệ Quyên sinh năm 1978 ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Là con một nên cô được bố mẹ hết mực nuông chiều. Hết lớp 7, Lệ Quyên nói không muốn đi học nữa bởi không ai chơi cùng, lại hay bị bạn bè bắt nạt. Thuyết phục con gái không được, ông Dương Cần Ký đành dắt con đến trường xin thôi học.
Năm 1994, một lần Lệ Quyên tỉnh dậy kể với bố về người đàn ông thường gặp trong mơ. Tình cờ, đi trên phố nhìn thấy áp phích quảng cáo, cô nhận ra người đó là nam diễn viên Lưu Đức Hoa.
Kể từ đó, việc duy nhất trong ngày của Lệ Quyên là thu thập mọi thứ về người đàn ông trong mộng. Không lâu sau một ý tưởng táo bạo xuất hiện trong đầu cô: Phải gặp Lưu Đức Hoa. “Con tin rằng chỉ cần gặp nhau và kể về những giấc mơ, anh ấy sẽ nhận ra con”, Lệ Quyên nói với bố, đồng thời tuyên bố “không gặp được anh ấy, vĩnh viễn không kết hôn”. Dương Cần Ký nghe tâm sự của con gái nhưng thay vì khuyên giải, ông lại động viên: “Bố sẽ hết sức giúp con”.
Người bố đã không tiếc hi sinh mọi thứ để con mình được vui
Ông bố xin nghỉ hưu sớm. Trong hai năm, ông vừa tích góp lương hưu vừa vay mượn cho đủ 10.000 tệ làm kinh phí cho con sang Hong Kong. Lần đầu, Lệ Quyên không gặp được thần tượng. Hai năm tiếp theo, ông Dương bán căn nhà ở Lan Châu, chuyển đến nhà thuê để có kinh phí cho con tiếp cận thần tượng.
Năm 2004, Lưu Đức Hoa sang biểu diễn ở Bắc Kinh. Thời điểm này, câu chuyện “cuồng thần tượng” của Dương Lệ Quyên đã nổi tiếng trong giới truyền thông Trung Quốc nên mọi người sắp xếp cho cô ngồi ở hàng ghế đầu, dễ ngắm nhìn thần tượng.
Năm 2005, Lệ Quyên biết địa chỉ nhà của Lưu Đức Hoa, liên tục thúc giục cha vay tiền cho mình tới Hong Kong. Lần này, sau vài ngày chầu chực ngoài cổng không kết quả, cô lại thất vọng quay về. Năm 2006, Dương Cần Kỳ thậm chí nghĩ tới việc bán thận để cho con tiếp tục sang Hong Kong. Tuy nhiên phía bệnh viện từ chối nên ông cũng từ bỏ ý định.
Năm 2007, một lần nữa người cha vay được 11.000 tệ đưa con gái sang Hong Kong. Tháng 3 năm đó, trong buổi gặp gỡ người hâm mộ, Dương Lệ Quyên sau 13 năm theo đuổi, đã tiếp cận được Lưu Đức Hoa. Nhưng mọi việc không lãng mạn như cô tưởng. Cũng giống như người hâm mộ khác, cô lên sân khấu chào anh và chụp vài bức ảnh cùng nhau, sau đó được bảo vệ mời xuống.
Ông hi sinh cả tính mạng để giúp con mình hoàn thành mong muốn
Dương Lệ Quyên rất bất mãn. Cô không chấp nhận việc sau bao năm cố gắng của cả gia đình, lại chỉ có được vài bức ảnh như vậy. Cô yêu cầu được gặp riêng Lưu Đức Hoa để kể về giấc mơ của mình, tuy nhiên bị từ chối. Dương Lệ Quyên suy sụp. Cha cô cũng vậy.
Ở tuổi gần 70, ông Dương không nghĩ được cách nào khác giúp con gái hoàn thành tâm nguyện. Cuối cùng, ông lựa chọn cái chết để gây sức ép nam diễn viên phải gặp con gái mình. Sáng 26/3/2007, Dương Cần Ký viết một bức thư tuyệt mệnh dài 7 trang rồi nhảy xuống biển ở Hong Kong. Từng câu, từng chữ trong thư đều buộc tội ngôi sao Lưu Đức Hoa.
Tuy nhiên sự hy sinh của người bố không mang về cơ hội gặp thần tượng cho con gái. Ngược lại, ông còn đẩy Dương Lệ Quyên vào những nỗi ân hận. Hai mẹ con sau đó trở về quê cũ ở Lan Châu sinh sống.
Năm 2017, sau 10 năm tránh xa truyền thông, cuộc sống của Dương Lệ Quyên được tờ Nhân dân nhật báo khai thác lại. Cô kể, trong thời gian dài, hai mẹ con sống nhờ trợ cấp xã hội. Sau khi về quê, Lệ Quyên làm nhân viên siêu thị, lương tháng khoảng 2.000 tệ. Cô từng muốn tìm công việc khác nhưng không có bằng cấp, thậm chí không biết sử dụng máy tính.
Sự hối hận muộn màng
Hai năm gần đây, Lệ Quyên sống với mẹ trong một phòng thuê giá rẻ, 1.000 tệ một năm. Cô nói, giờ chỉ mong kiếm được nhiều tiền để mua thêm quần áo đẹp cho mẹ: “Cái chết của bố là vết thương lớn nhất trong lòng tôi. Giờ chỉ có thể chuộc lỗi bằng cách bù đắp cho mẹ”.
Ở tuổi 43, Dương Lệ Quyên nói không thiết yêu ai. Nhắc về Lưu Đức Hoa, cô cười buồn: “Tôi không còn bị ám ảnh bởi những từ đó nữa”. Lệ Quyên cũng đã đốt tất cả sách ảnh, album… của thần tượng sau khi cha mình chết.
Tro cốt của người cha được con gái rải xuống sông Hoàng Hà. Mỗi dịp lễ tết hay giỗ, cô lại ra đó thì thầm: “Cha hãy tha thứ cho con”.
27/9/2021 là ngày sinh nhật lần thứ 60 của tài tử Lưu Đức Hoa; câu chuyện của Dương Lệ Quyên lại được báo chí Trung Quốc nhắc đến. Nhiều người chia sẻ, trong câu chuyện này sự hy sinh của Dương Cần Ký là vô nghĩa, bởi không làm con gái mình tốt lên, mà đó là sự chiều chuộng thái quá.
Sự nuông chiều trẻ nhỏ như con dao hai lưỡi
Nhà văn Lý Nguyệt Lượng của Trung Quốc nói: “Sự nuông chiều của cha mẹ giống như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng tốt, trẻ trở nên ấm áp, nếu thái quá sẽ nuôi dưỡng lòng tham vô tận của trẻ”.
Việc chiều chuộng đôi khi khiến cha mẹ phải trả giá bằng bi kịch; thậm chí là cả tính mạng như trường hợp của Dương Cần Ký. Cha mẹ thông minh không chỉ dành tình yêu thương, mà còn phải dập tắt những đòi hỏi phi lý trong suy nghĩ của con cái.
“Làm cha mẹ, đối tốt với con là bản năng, không có gì sai trái. Cái cần là phải có thêm sự khôn ngoan trong bản năng này”, nhà văn Lý nói.
Nuông chiều gây ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
- Thiếu hụt cảm xúc
- Chống đối khi mong muốn của trẻ không được đáp lại
- Không biết tự kiềm chế hay tự kiểm soát chính mình
- Khó khăn khi phải theo luật lệ hay quy định
- Thiếu kỷ luật, trở nên ích kỷ và chống đối quyền lực
- Thiếu trách nhiệm với hành vi của mình
- Nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa ba mẹ nuông chiều con và những rối loạn về hành vi cũng như ham mê vật chất của trẻ vị thành niên
- Trẻ ích kỉ và ham muốn cao, không thích chia sẻ
- Trẻ thiếu tự tin
- Thiếu kỹ năng xã hội.